Dịch Vụ Bất Động Sản

Nhận ký gửi, ủy thác, quản lý bất động sản, môi giới mua, bán, thuê và cho thuê bất động sản. Chỉ thu phí dịch vụ khi giao dịch thành công, với mức phí hợp lý..

Dịch vụ tư vấn Bất động sản

Tư vấn hoàn toàn miễn phí các thủ tục mua bán và các thủ tục khác liên quan đến giao dịch Bất động sản.

Dịch vụ làm thủ tục hồ sơ pháp lý

Nhận làm dịch vụ thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà (sổ đỏ).

Dịch vụ quảng cáo bất động sản

Quảng cáo, đăng tin mua bán nhà đất theo yêu cầu của khách hàng..

Chúng tôi là Mua bán nhà đẹp.net

Môi giới, mua bán, quảng cáo, đăng tin mua bán nhà đất theo yêu cầu của khách hàng...

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Bún cá rau cần



Nếu đã một lần ăn bún cá rau cần rồi thì nhớ mãi không quên. Vị thanh ngọt của rau, của bún và chất beo béo của cá tươi làm nên cái hương riêng.
Bà cụ chủ quán bún cá rau cần, ốc đồng, cua ruộng ở ngay trung tâm phường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Giang bảo tôi: Muốn có được một bát bún cá rau cần ngon trước tiên phải chọn cá, cá sông, cá suối, cá ao làng chứ không thể là cá nuôi. Rồi cách làm cá cũng đặc biệt chú trọng.

Cá được nướng khéo, và cũng có khi là luộc để tạo một mùi vị đặc trưng. Rồi còn phải xào thịt cá, xay xương, lọc cốt, chọn rau cần, hành hoa. Hương vị tẩm ướp rất công phu chứ không đơn giản như người ta tưởng. Chỉ cần một chút sao lãng là bát bún cá rau cần đánh mất "duyên" với người sành ăn.

Thịt những con cá rô vàng hoe, những chú cá diếc trắng phau, cá quả săn chắc được bà cụ cho vào chảo mỡ con đang sôi trên bếp lào xào. Bát bún được tráng nước sôi bốc khói. Chiếc chảo xoay tròn trên tay bà rồi thoắt một cái, những miếng cá đua nhau nhào vào mặt bát bún đã được rải đều rau cần.

Tiếp đó là một muôi vàng sóng sánh nước dùng với vài miếng trứng cá hấp dẫn. Ôi cái mùi gừng cay nồng, mùi hành hoa ngai ngái, mùi thì là rộn rạo và nhất là mùi cần ta hay còn gọi là cần ao thấm vào bát bún cá mới quyến rũ làm sao.

Trước khi thưởng thức, nhớ thêm vài miếng ớt tươi thái lát, vắt chút chanh rồi đưa đũa đảo đều lên. Sau đó nhón thêm vài ba cọng húng ngổ, nhưng đừng cho nhiều quá. Nước dùng sóng sánh beo béo tinh chất từ xương cá xay nhuyễn, uống sâu vào ruột ngó cần nồng nồng, làm nên mùi vị hết sức đặc biệt.

Nhón trên đầu đũa vài sợi bún kéo theo cái màu vàng của nước dùng, cùng vị cần khoan thai, và cả mùi hăng hăng của rau húng ngổ, cho vào miệng, thì ôi thôi, khắp châu thân ngất ngây đến khó tả. Cây rau cần và con cá rô, cá diếc đã tạo nên một hương vị đồng quê thân thương, khiến cho bao người khi xa thì nhớ, khi ở thì thèm.
Theo - Thanh Niên

Canh cá Quỳnh Côi


Nếu phở là món quà sáng gắn bó với người Hà Nội; hủ tíu, cơm tấm quen thuộc trong bữa sáng của dân Sài Gòn thì canh cá lại là món điểm tâm không thể thiếu với người dân thị trấn Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) và vùng lân cận. Những sớm mùa đông, sương giăng miên man, sắt se gió bấc, mới bước vào quán, chỉ cần mùi canh cá nóng hổi ngào ngạt bốc lên thì toàn bộ cơ quan khứu giác của tôi gần như lịm đi. Ấy là mùi thơm giòn của miếng canh cá, mùi sóng sánh, thơm ngọt, hơi mằn mặn của nước dùng, mùi đăng đắng của húng bạc hà, thìa là...







Không biết canh cá ra đời ở thị trấn bé nhỏ, xa xôi này từ bao giờ, chỉ biết rằng ông bà tôi đã tấm tắc món canh cá, đến mức sau này bà tôi dù có đi đâu, ăn món này món khác nhưng cứ nhất quyết: không gì ngon bằng canh cá Quỳnh Côi. Hồi nhỏ, mỗi lần được lên phố huyện vào dịp chợ phiên, chợ Tết hoặc đi thi, chúng tôi thường được bố mẹ thưởng cho bát canh. Lúc ấy, canh cá là một món quà xa xỉ với phần lớn lũ trẻ nhà quê sáng sáng chỉ trệu trạo cơm nguội, cơm rang hay chiếc bánh mì, gói xôi nhạt nhẽo. Mỗi lần đi học về, bụng đói meo, qua những hàng canh cá thơm nức, tôi thầm nhủ rằng sau này phải kiếm thật nhiều tiền để ăn canh cá cho thỏa thích như nỗi ao ước của chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam khi thấy gánh phở của bác Siêu dập dìu, lập lòe ánh đèn, ngào ngạt hương thơm trong đêm vắng.

Thoạt nhìn, canh cá Quỳnh Côi có vẻ giống bún cá, bánh đa cá của Hải Phòng. Nhưng không phải, bởi cách chế biến, rán cá Quỳnh Côi khác. Một bát canh cá ngon do nhiều thứ: sợi bánh đa, nước dùng, cá rán... Nhưng điều quyết định đẳng cấp của quán này so với quán khác là trình độ rán cá. Tôi không thể giải thích tại sao canh cá lại có hương vị đánh thức tất cả con tì con vị của mình như vậy? Trước đây, người ta chỉ dùng cá quả tươi, đánh bắt trong tự nhiên, mỗi con nặng chừng 1kg. Cá được đánh sạch vảy, bỏ đầu, ruột, luộc tái, xong vớt ra lóc thith, nhặt sạch xương rồi xắt thành từng miếng cỡ bằng hai đốt ngón tay, chế biến theo hai cách: om hoặc rán.

Thời trước, các quán chủ yếu om cá bằng cách tẩm gia vị, trong đó nhất thiết phải có nước mắm ngon rồi rán đến khi nào kiệt nước, miếng cá săn lại, chuyển thành màu nâu nâu mới thôi. Cái khéo của người om cá cũng là ở đây, bởi phải om làm sao để miếng cá chỉ sem sém mép, giòn giòn ở bề mặt nhưng vẫn dai dai, chứ không bã. Bây giờ, các quán chủ yếu rán, tuy cách tẩm ướp nguyên liệu vẫn như cũ. Miếng cá được xắt to hơn theo hình quân cờ, được rán giòn hơn, vàng hơn, nhưng xương không còn được nhặt kỹ như xưa. Một chủ quán bảo rằng hiện nay ít khách ăn cá om nên phần lớn các quán đã chuyển sang làm cá rán.

Hiện nay cá quả tự nhiên vừa hiếm, vừa đắt, nên phần lớn các quán đều chuyển sang dùng cá trắm cỏ. Trắm cỏ dù béo nhưng không đậm đà, không ngon bằng cá quả. Nhiều quán còn thêm miếng chả cá công nghiệp tròn tròn, vàng vàng, nhưng lại khiến bát canh chẳng còn hồn vía xưa. Góp phần làm cho bát canh cá ngon hơn cũng phải kể tới bánh đa sợi. Ngon nhất là bánh đa làng Đợi (xã Đông Hải). Bánh đa được chế biến từ gạo ngon, được tráng ra bánh rồi thái đều thành sợi, phơi khô, có thể để hàng tháng. Bánh đa ngon là sợi nhỏ, mỏng khi nhúng vào nước nóng vẫn dẻo dai, không bị trương, bở. Nước dùng cũng góp phần làm nên vị riêng của canh cá Quỳnh Côi dù gia vị nấu chỉ cần hành khô, mỡ, thìa là, rau răm, gừng xào với xương lợn, đầu và xương cá. Càng đun kỹ, xương cá càng nhừ và nước dùng càng ngọt.





Người bán hàng thoăn thoắt nhúng những bánh đa sợi đã ngâm qua nước lạnh vào nồi nước nóng, rồi cho vào bát, nhẹ nhàng đặt những miếng cá vàng ruộm lên giữa cái nền trắng tinh khiết ấy, tiếp đến sẽ rắc dọc hành hoa, củ hành tươi thái chỉ trắng nõn, rau húng, bạc hà, mùi tàu... đặc biệt là không được quên thìa là thái nhỏ rắc lấm tấm trên mặt, xong mới múc nước dùng. Những sợi bánh đa trắng mềm mại, dẻo dai ôm lấy miếng cá vàng ươm, quyện với màu xanh của hành hoa, húng bạc hà, thìa là, bồng bềnh trong màu sóng sánh của nước dùng xâm xấp và hôi hổi khói thơm: bát canh cá Quỳnh Côi đã sẵn sàng.

Trước đây thị trấn có nhiều quán canh cá, song nay thưa hơn vì người ta chuyển sang làm phở, bún, miến cho đỡ mất công. Nếu về Quỳnh Côi, ghé những quán: Sơn Hải, Nam Thái... du khách vẫn còn được thưởng thức hương vị xưa. Hơn mười năm nay, đặc sản của thị trấn này đã lên Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Khi còn ở Hà Nội, những lần đầu tiên nhìn thấy quán treo biển canh cá Quỳnh Côi, tôi chộn rộn tìm kiếm, nhưng chẳng tìm đầu ra hương vị thơm lừng tưởng như có thể ủ ấp trong khứu giác xưa. Xa Quỳnh Côi, cùng với hương dâu da nồng nàn quyến luyến khi mùa hoa như mây trắng xuống phố mỗi tháng ba về, thì hương vị canh cá luôn khiến tôi cồn cào. Bây giờ, một số quán canh cá Quỳnh Côi ở Hà Nội trộn kèm rau rút, cải cúc, cần nõn, nhưng chỉ khiến canh cá mất vị thơm sực nức của thìa là, húng bạc hà...

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Thịt heo ngâm nước mắm


Đây là món rất dễ làm, giữ được lâu, khi ăn chỉ mất vài phút để cắt, dọn ra. Thịt heo cắt mỏng, cuốn với bánh tráng, rau sống (xà lách, rau thơm các loại, chuối, khế…), kèm củ kiệu, đồ chua (hành tây, cà rốt cắt sợi ngâm qua nước giấm đường). Cái món cuốn cuốn, chấm chấm này có thể ăn quên no, lại ăn kèm nhiều rau nên không phải lo chuyện sức khỏe. Có lẽ cũng vì thế nên ngày Tết, nhà nào ở miền Nam cũng có một hũ thịt ngâm mời khách.


 
Thịt heo thường dùng ngâm nước mắm là thịt mông hoặc thịt đùi; chọn miếng thịt có da mỏng, mỡ không dày, ngon nhất là chọn miếng thịt có đủ ba phần da, mỡ và thịt dính liền lạc với nhau. Tuy nhiên, bạn có thể dùng thịt đùi trước, róc bỏ xương, để miếng thịt sau khi ngâm được mềm và đỡ xảm vì nạc nhiều. Cắt thịt thành từng miếng tùy ý, cuộn tròn miếng thịt lại, dùng chỉ ràng chặt quanh miếng thịt, luộc chín. Ràng chỉ để sau khi ngâm, miếng thịt cắt ra sẽ đẹp hơn. Nên cho thêm chút bột nêm vào nước luộc thịt khi còn là nước lạnh, thịt sẽ đậm vị hơn.
Nấu nước mắm đường theo phân lượng 1 chén nước mắm + một chén đường, canh nước vừa đủ để khi ngâm thịt chìm dưới mặt nước mắm đường khoảng vài phân. Nên dùng đường cát trắng để hỗn hợp ít ngọt, mùi nước mắm cũng không bị ảnh hưởng. Nếu muốn giữ lâu, tăng thêm lượng đường để tăng vị ngọt. Có thể dùng đường thẻ, đường thốt nốt cũng được nhưng mùi nước mắm ít nhiều sẽ bị lấn át và cần tính kỹ phân lượng để hỗn hợp không quá ngọt.


 
Cho thịt vào lọ thủy tinh, châm nước mắm đường vào ngập mặt thịt. Dùng đũa tre ép chặt thịt xuống, gài đũa trên mặt để thịt không nổi lên khỏi nước ngâm. Đậy kín nắp. Có thể cho thêm vào chút tiêu sọ giã giập, hũ thịt của bạn sẽ có thêm mùi thơm và vị cay nhẹ của tiêu. Thịt ngâm chỉ sau 2-3 ngày là đã thấm nước mắm. Thịt ngâm càng lâu càng thấm ngon. Ngâm lâu, phần mỡ sẽ trong và giòn.
Thay vì ngâm thịt heo, bạn cũng có thể làm thịt bò ngâm nước mắm với cách tương tự, ăn cũng không kém hấp dẫn. Với thịt bò, nên chọn bắp bò, lạng sạch những mảnh thịt bạc nhạc, để nguyên bắp luôc vừa chín tới là ngâm được. Thịt bò luộc chín quá sau khi ngâm thịt sẽ bị nát.
Theo PNO