Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Đáp án đề thi đại học môn địa lý khối C 2012

 ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Môn: ĐỊA LÍ; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (8,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
  1. Trình bày hoạt động và hậu quả của bão ở nước ta. Cho biết nguyên nhân chủ yếu gây mưa mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và tháng IX ở miền Trung.
  2. Dân số Việt Nam có những đặc điểm gì? Tại sao dân số đông cũng là một thế mạnh để phát triển kinh tế nước ta
Câu II (3,0 điểm)
1. Chứng minh rằng tài nguyên du lịch nước ta rất đa dạng
2. Phân tích các thế mạnh về kinh tế xã hội của Đồng bằng sông Hồng. Tại sao việc làm là một trong những vấn đề nan giải ở vùng này
Câu III (3,0 điểm)
1. Dựa vào bảng số liệu dưới đây, hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản của nước ta trong giai đoạn 2005 – 2010.
SẢN LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT THỦY SẢN CỦA NƯỚC TA
Năm
2005
2007
2009
2010
Sản lượng (nghìn tấn)
3467
4200
4870
5128
- Khai thác
1988
2075
2280
2421
- Nuôi trồng
1479
2125
2590
2707
Giá trị sản xuất (tỉ đồng, giá so sánh 1994)
38784
47014
53654
56966
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2010, NXB Thống kê, 2011)
2. Nhận xét tình hình phát triển của ngành thủy sản từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
II. PHẦN RIÊNG (2,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc IV.b)
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Phân tích khả năng về mặt tự nhiên để phát triển sản xuất lương thực ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nêu các biểu hiện chứng tỏ ở vùng này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng cho việc sản xuất lương thực.
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I (2,0 điểm)
1. Trình bày hoạt động và hậu quả của bão ở nước ta. Cho biết nguyên nhân chủ yếu gây mưa mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và tháng 9 ở miền Trung.
a/ Hoạt động của bão:
Nhìn chung, trên toàn quốc, mùa bão bắt đầu từ tháng VI và kết thúc vào tháng XI, đôi khi có bão sớm vào tháng V và muộn sang tháng XII, nhưng cường độ yếu. Bão tập trung nhiều nhất vào tháng IX, sau đó đến các tháng X và tháng VIII. Tổng số cơn bão của ba tháng này chiếm tới 70% số cơn bão trong toàn mùa. Mùa bão ở Việt Nam chậm dần từ Bắc vào Nam.
Trung bình mỗi năm có từ 3 – 4 cơn bão đổ bộ vào vùng bờ biển nước ta, năm nhiều có 8 – 10 cơn, năm ít có 1 – 2 cơn. Nếu tính số cơn bão có ảnh hưởng đến thời tiết nước ta thì còn nhiều hơn nữa, tính trung bình trong 45 năm gần đây, mỗi năm có gần 8,8 cơn bão.
b/ Hậu quả của bão ở Việt Nam
Ở vùng trung tâm, bão có gió mạnh kèm theo mưa lớn. Lượng mưa do một cơn bão gây nên thường đạt 300 – 400 mm, có khi tới trên 500 – 600 mm. Những cơn bão đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ có diện mưa rộng nhất. Vùng ven biển Trung Bộ có diện mưa bão hẹp hơn, nhưng lượng mưa bão rất lớn, trung bình chiếm tới trên 1/3 lượng mưa cả năm của vùng. Trên biển, bão gây sóng to dâng cao 9 – 10 m có thế lật úp tàu thuyền. Gió bão làm mực nước biển dâng cao thường tới 1,5 – 2 m gây ngập mặn vùng ven biển. Nước dâng tràn đê kết hợp nước lũ do mưa lớn trên nguồn dồn về làm ngập lụt trên diện rộng. Bão lớn, gió giật mạnh đổi chiều tàn phá cả những công trình vững chắc như nhà cửa, công sở, cầu cống, cột điện cao thế ... Bão là một thiên tai gây tác hại rất lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân ta, nhất là ở vùng ven biển.
c/ Nguyên nhân chủ yếu gây mưa mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và tháng 9 ở miền Trung:
Từ tháng IV đến tháng VII, gió mùa Tây Nam (xuất phát từ cao áp cận chí tuyến nữa cầu nam) hoạt động. Vượt qua biển vùng xích đạo khối khí trở nên nóng ẩm, gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió Nam Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động của gió Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng IX ở Trung Bộ.
2. Dân số Việt Nam có những đặc điểm gì? Tại sao dân số đông cũng là một thế mạnh để phát triển kinh tế nước ta
a/ Đặc điểm của dân số Việt Nam
- Dân số đông, nhiều thành phần dân tộc
+ Số dân nước ta là 84.156 nghìn người (năm 2006). So với các nước khu vực Đông Nam Á thì dân số nước ta đứng thứ ba (sau Inđônêxia và Philipin) và đứng thứ 13 trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
+ Nước ta có 54 dân tộc sống ở khắp các vùng lãnh thổ của đất nước, nhiều nhất là dân tộc Việt (Kinh), chiếm 86,2% dân số, các dân tộc khác chỉ chiếm 13,8% dân số cả nước.
+ Có khoảng 3,2 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở Bắc Mỹ, châu Âu, Ôxtrâylia … Tuyệt đại bộ phận người Việt ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và đang góp công sức cho xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở quê hương.
- Dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ.
+ Tỉ lệ gia tăng dân số qua các thời kỳ không ổn định, thời kỳ chiến tranh chống Pháp mức gia tăng thấp, thời kỳ xây dựng XHCN ở miền Bắc mức gia tăng nhanh, từ khi thống nhất đất nước mức gia tăng giảm dần.
+ Dân số nước ta tăng nhanh, đặc biệt là vào nữa cuối thế kỷ XX, đã dẫn đến hiện tượng bùng nổ dân số. Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số diễn ra giữa các giai đoạn, các vùng lãnh thổ, các thành phần dân tộc với tốc độ và quy mô khác nhau.
+ Dân số nước ta thuộc loại trẻ, đang có sự biến đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của cả nước.
+ Từ năm 2000 đến năm 2005:
Từ 0 đến 14 tuổi: giảm từ 33,5% à 27%
Từ 15 đến 59 tuổi: tăng từ 58,4% à 64%
Từ 60 tuổi trở lên: tăng từ 8,1% à 9%
- Phân bố dân cư chưa hợp lý.
+ Mật độ dân số trung bình ở nước ta là 254 người/km2 (năm 2006), nhưng phân bố chưa hợp lý thể hiện ở:
+ Giữa đồng bằng với trung du, miền núi:
Ở đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số, mật độ dân số cao. Ở vùng trung du, miền núi mật độ dân số thấp hơn nhiều so với đồng bằng, trong khi vùng này tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước.
+ Phân bố không đều giữa các vùng
-Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao nhất nước với 1.225 người/km2, gấp 4,8 lần mật độ dân số trung bình của cả nước, và khoảng 17,8 lần mật độ dân số trung bình của vùng Tây Bắc.
-Tây Bắc có mật độ dân số trung bình thấp nhất nước 69 người/km2.
-Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là những vùng có mật độ dân số trung bình cao hơn mật độ dân số trung bình của cả nước.
-Duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Bắc là những vùng có mật độ dân số trung bình thấp hơn mật độ dân số trung bình của cả nước.
+ Phân bố dân cư chưa hợp lý giữa thành thị và nông thôn.
-Dân số nông thôn chiếm tỉ trọng cao nhất và đang có xu hướng giảm liên tục từ 80,5 % (1990) xuống còn 73,1 % (2005).
-Dân số thành tị chiếm tỉ trọng thấp hơn và đang có xu hướng tăng liên tục từ 19,5 % (1990) lên 26,9 % (2005).
b/ Tại sao dân số đông cũng là một thế mạnh để phát triển kinh tế nước ta?
+ Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Với số dân đông, nước ta có nguồn lao động dồi dào, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
+ Người lao động chiếm hơn 60% dân số, hằng năm tăng thêm khoảng 1,15 triệu người. Người lao động của nước ta cần cù, sáng tạo, khả năng tiếp thu, vận dụng khoa học – kỹ thuật nhanh, nếu được tổ chức quản lý tốt, đào tạo kịp thời, sử dụng hợp lý, thì đây sẽ là nguồn lực có vai trò quyết định đối với quá trình xây dựng đất nước.
Câu II (3,0 điểm)
1. Chứng minh rằng tài nguyên du lịch nước ta rất đa dạng
Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch.
Tài nguyên du lịch nước ta rất đa dạng, bao gồm hai nhóm : tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên:
- Địa hình: 200 hang động, 125 bãi biển, 2 di sản thiên nhiên thế giới
- Khí hậu: đa dạng, phân hóa.
- Nước: Sông hồ, nước khoáng, nước nóng
- Sinh vật: hơn 30 vườn quốc gia, động vật hoang dã, thủy hải sản.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn:
- Di tích: 4 vạn di tích (hơn 2,6 nghìn được xếp hạng); 3 di sản văn hóa vật thể và 2 di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
- Lễ hội: quanh năm, tập trung vào mùa xuân
- Tài nguyên khác: làng nghề, văn nghệ dân gian, ẩm thực, ...
2. Phân tích các thế mạnh về kinh tế xã hội của Đồng bằng Sông Hồng. Tại sao việc làm là một trong những vấn đề nan giải ở vùng này
+ Các thế mạnh về kinh tế xã hội của Đồng bằng Sông Hồng:
-Dân cư – lao động : Lao động dồi dào. Có kinh nghiệm và trình độ
-Cơ sở hạ tầng phát triển tương đối tốt : Mạng lưới giao thông. Điện, nước
-Cơ sở vật chất – kỹ thuật : Tương đối tốt. Phục vụ sản xuất đời sống
-Thế mạnh khác : Thị trường. Lịch sử khai thác lãnh thổ
+ Tại sao việc làm là một trong những vấn đề nan giải ở vùng này
-Đồng bằng Sông Hồng có mật độ dân số cao nhất nước (1225 người/ km2 – năm 2006), gấp 4,8 lần mật độ dân số cả nước.
-Số dân đông, kết cấu dân số trẻ tất yếu dẫn đến nguồn lao động gia tăng. Trong điều kiện nền kinh tế còn chậm phát triển, việc làm, nhất là ở khu vực thành thị đã trở thành một vấn đề nan giải ở Đồng bằng sông Hồng.
-Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Câu III:
Nhận xét:
- Ngành thủy sản nước ta phát triển liên tục từ năm 2005 đến năm 2010
+ Sản lượng tăng 1661 nghìn tấn, tăng 1,48 lần, tăng 48%
+ Sản lượng khai thác tăng 433 nghìn tấn, tăng 1,22 lần, tăng 22%
+ Sản lượng nuôi trồng tăng 1228 nghìn tấn, tăng 1,83 lần, tăng 83%
+ Giá trị sản xuất tăng 18182 tỉ đồng, tăng 1,47 lần, tăng 47%.
- Ta thấy sản lượng nuôi trồng phát triển nhanh hơn sản lượng khai thác
Cơ cấu của sản lượng khai thác và nuôi trồng trong tổng sản lượng thủy sản:
(Đơn vị: %)
Năm
Cơ cấu
2005
2007
2009
2010
Sản lượng khai thác
57,3
49,4
46,8
47,2
Sản lượng nuôi trồng
42,7
50,6
53,2
52,8
Năm 2005 cơ cấu sản lượng khai thác lớn hơn cơ cấu sản lượng nuôi trồng nhưng từ năm 2007 đến năm 2010, cơ cấu sản lượng nuôi trồng lớn hơn sản lượng khai thác.
Giải thích:
- Ngành thủy sản của nước ta phát triển nhanh vì nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản:
+ Bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn
+ Vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản khá phong phú. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hằng năm khoảng 1,9 triệu tấn. Biển nước ta có hơn 2.000 loài cá, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; 1.647 loài giáp xác, trong đó có hơn 100 loài tôm, có những loài có giá trị xuất khẩu cao; nhuyễn thể có hơn 2.500 loài, rong biển hơn 600 loài. Ngoài ra còn có nhiều loại đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò, điệp …
+Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là : ngư trường Cà Mau – Kiên Giang (ngư trường vịnh Thái Lan), ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh (ngư trường vịnh Bắc Bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
+ Dọc bờ biển nước ta có những bãi triều, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn. Đó là những khu vực thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.
+ Nước ta có nhiều sông suối, kênh rạch, ao hồ, ở vùng đồng bằng có các ô trũng có thể nuôi thả cá, tôm nước ngọt. Cả nước đã sử dụng hơn 850 nghìn ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản
+ Nhân dân ta có kinh nghiệm và truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị ngày càng tốt hơn.
+ Hoạt động khai thác và nuôi trồng được thuận lợi hơn do phát triển dịch vụ thủy sản và mở rộng chế biến thủy sản.
+ Thị trường tiêu thụ mở rộng trong nước và nhất là thị trường xuất khẩu. Các mặt hàng thủy sản của nước ta cũng đã thâm nhập được vào thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ …
+ Những đổi mới trong chính sách của Nhà nước đã và đang có tác động tích cực tới sự phát triển ngành thủy sản.
- Hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ta tăng mạnh là do:
+ Tiềm năng nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều
+ Các sản phẩm nuôi trồng có giá trị khá cao và nhu cầu lớn trên thị trường.
+ Việc đẩy mạnh nuôi trồng sẽ đảm bảo tốt hơn nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp chế biến (nhất là chế biến để xuất khẩu)
+ Việc phát triển nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa điều chỉnh đáng kể đối với sự phát triển ngành khai thác thủy sản
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?
Vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển:
-Nguồn lợi sinh vật : Biển nước ta có độ sâu trung bình, vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan là các vùng biển nóng. Biển nhiệt đới ấm quanh năm, nhiều ánh sáng, giàu ôxy, độ muối trung bình khoảng 30 - 33, sinh vật biển phong phú, giàu thành phần loài. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Một số loài quý hiếm, cần phải bảo vệ đặc biệt. Ngoài nguồn lợi cá, tôm, cua, mực…, biển nước ta còn nhiều đặc sản khác như đồi mồi, vích, hải sâm, bào ngư, sò huyết… Đặc biệt là trên các đảo đá ven bờ Nam Trung Bộ có nhiều yến. Tổ yến (yến sào) là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao.
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó 4 ngư trường trọng điểm: ngư trường Cà Mau – Kiên Giang (ngư trường vịnh Thái Lan), ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh (ngư trường vịnh Bắc Bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
-Tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và khí tự nhiên : Biển nước ta là nguồn muối vô tận. Dọc bờ biển nhiều vùng có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối. Hàng năm, các cánh đồng muối cung cấp hơn 800 nghìn tấn muối.
Vùng biển nước ta nhiều sa khoáng với trữ lượng công nghiệp. Một số mỏ sa khoáng ôxit titan có giá trị xuất khẩu. Cát trắng ở các đảo thuộc Quảng Ninh, Khánh Hòa là nguồn nguyên liệu quý để làm thủy tinh, pha lê.
Vùng thềm lục địa nước ta có nhiều mỏ dầu khí được phát hiện, thăm dò và khai thác: Rồng, Bạch Hổ, Rạng Đông, Hòn Ngọc, mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây ...
+ Các huyện đảo ở nước ta
Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa
Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng
Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh
Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Phân tích khả năng về mặt tự nhiên để phát triển sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nêu các biểu hiện chứng tỏ ở vùng này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển lương thực.
a. Khả năng về tự nhiên :
+ Là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta với diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích cả nước.
+ Chủ yếu đất phù sa, gồm 3 nhóm đất chính:
* Đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, có diện tích 1,2 triệu ha (30% diện tích vùng) là đất tốt nhất thích hợp trồng lúa.
* Đất phèn có diện tích lớn hơn, 1,6 triệu ha (41% diện tích vùng), phân bố ở Đồng tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau.
* Đất mặn có diện tích 750.000 ha (19% diện tích vùng), phân bố thành vành đai ven Biển Đông và vịnh Thái Lan, thiếu dinh dưỡng, khó thoát nước…
+ Khí hậu: có tính chất cận xích đạo, chế độ nhiệt cao ổn định, lượng mưa hàng năm lớn. Ngoài ra vùng ít chịu tai biến khí hậu gây ra, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm.
+ Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cung cấp nước để thau chua, rửa mặn, phát triển giao thông, nuôi trồng thuỷ sản và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
+ Khó khăn
* Đất phèn, đất mặn chiếm diện tích lớn.
* Mùa khô kéo dài gây thiếu nước và sự xâm nhập mặn vào sâu đất liền làm tăng độ chua và chua mặn trong đất.
* Thiên tai lũ lụt thường xảy ra.
b. Các biểu hiện chứng tỏ ở vùng này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển lương thực.
-Diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn còn lớn. Nhiều vùng trũng ngập nước quanh năm. Các bãi bồi ven sông ven biển có thể cải tạo thành đất canh tác.
- Diện tích đất hoang hóa vẫn còn nhiều (19,7% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long), tuy nhiên việc khai thác đất hoang đòi hỏi phải đầu tư lớn.
- Hệ số sử dụng ruộng đất còn thấp, phần lớn diện tích gieo trồng một vụ còn lớn; diện tích gieo trồng hai, ba vụ còn ít. Nếu giải quyết tốt vấn đề thủy lợi thì diện tích gieo trồng sẽ tăng lên đáng kể.
Nguyễn Đăng Lợi
(Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Đáp án môn địa lý khối C 2012 sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất
Đáp án đề thi đại học môn địa lý khối C 2012
MÔN ĐỊA LÝ 2012: Nên soạn đề cương theo từng chủ đề Nội dung đề thi tuyển sinh đại học môn địa nằm trọn vẹn trong chương trình sách giáo khoa Địa lí 12 theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Nội dung đề thi trải đều chương trình lớp 12, bám sát sách giáo khoa và phù hợp với cấu trúc đề thi do Cục khảo thí ban hành. Cấu trúc đề thi địa lý những năm gần đây thường được phân bổ như sau Câu I. (2,0 điểm) gồm Địa lý tự nhiên và Địa lý dân cư. Địa lý tự nhiên thường nằm trong các nội dung sau : Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ.Đất nước nhiều đồi núi.Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển.Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa.Thiên nhiên phân hóa đa dạng.Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Địa lý dân cư gồm các vấn đề :Đặc điểm dân số và phân bố dân cư. Lao động và việc làm. Đô thị hóa. Để làm được câu này các em cần phải đọc kỹ sách giáo khoa, hệ thống và sắp xếp lại theo từng vấn đề. Rút ra những ý chính và học thuộc những ý đó. Câu II. (3,0 điểm) là vấn đề Chuyển dịch cơ cấu kinh tế bao gồm Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế. Địa lý các ngành kinh tế thường có các nội dung sau :Một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp (đặc điểm nền nông nghiệp, vấn đề phát triển nông nghiệp, vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp).Một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp (cơ cấu ngành công nghiệp, vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm, vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp).Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ (giao thông vận tải và thông tin liên lạc, thương mại, du lịch). Địa lý các vùng kinh tế có các nội dung sau : Vấn đề khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng. Vấn đề phát triển kinh tế – xã hội ở Bắc Trung Bộ. Vấn đề phát triển kinh tế – xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên.Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ. Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo.Các vùng kinh tế trọng điểm. Các em nên soạn bài lại theo các chủ đề như trên bằng các gạch đầu dòng từng ý chính. Với câu hỏi này, thường thí sinh phải trả lời câu hỏi “Tại sao?”, giải thích, nhận xét, trình bày, so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lý. Đôi khi đề yêu cầu phân tích và chứng minh một vấn đề địa lý nào đó. Câu III. (3,0 điểm) thường là câu kiểm tra kĩ năng thực hành như: Vẽ lược đồ ViệtNam và điền một số đối tượng địa lý lên lược đồ. Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích. Đây là câu hỏi quen thuộc về kĩ năng thực hành vẽ biểu đồ mà tất cả học sinh đã được thực hành từ năm lớp 9. Phần này cũng đòi hỏi học sinh phải hiểu được bảng số liệu để phân tích và đưa ra nhận xét phù hợp. Các em cần phải nắm vững phương pháp vẽ các loại biểu đồ như: biểu đồ cột, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền … Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (2,0 điểm) Nội dung nằm trong chương trình Chuẩn, gồm các nội dung đã nêu ở trên. Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (2,0 điểm). Nội dung nằm trong chương trình Nâng cao. Ngoài phần nội dung đã nêu ở trên, bổ sung các nội dung sau : Chất lượng cuộc sống (thuộc phần Địa lý dân cư). Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (thuộc phần Địa lý kinh tế – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế). Vốn đất và sử dụng vốn đất (thuộc phần Địa lý kinh tế – Một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp).Vấn đề lương thực, thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc phần Địa lý kinh tế – Địa lý các vùng kinh tế). Theo cấu trúc đề vừa nêu ở trên, thì nội dung của chương trình chuẩn ít hơn chương trình nâng cao. Do đó, để tiết kiệm thời gian khi ôn luyện, các em nên chọn chương trình chuẩn. Theo qui luật thông thường, em nào dành nhiều thời gian cho việc học nhiều hơn thì có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét